Ngán ngại “mùa” đốt rơm rạ
Nếu chỉ cảnh báo về tác hại của đốt rơm rạ e không hiệu quả. Mùa đốt rơm rạ vẫn định kỳ mỗi tháng 5, tháng 10 hàng năm sau vụ gặt. "Cần chỉ ra cho người nông dân thấy rơm rạ có thể tạo ra tiền"- GS.TS Nguyễn Đình Hòe nói.
Nhiều vùng ngoại thành Hà Nội khổ vì khói rơm rạ
Ô nhiễm mùa vụ
Thời điểm này tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như Thạch Thất, Hoài Đức, Vân Đình…, một lượng rơm rạ khổng lồ được nông dân đem đốt dù chính quyền thành phố đã có lệnh cấm. Hiện tượng "ô nhiễm mùa vụ” diễn ra đã nhiều năm. Người ta đốt rơm ngay trên quốc lộ. Khói do đốt rơm, rạ cản trở tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Khói bụi từ ô tô, xe máy hay rơm rạ… đều chứa các chất độc như CO, CO2, SO, SO2... "Chỉ cần hít thở phải 0,1% CO trong không khí sẽ dẫn tới thương tổn do giảm oxy trong máu”- GS. TS Phạm Ngọc Đăng (nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội, nguyên Tổng thư kí Hội đồng Học hàm Nhà nước) cho biết. Khói rơm rạ gây hại cho hệ hô hấp, gây viêm xoang, viêm phổi... Song đến nay, chưa có cơ quan khoa học nào đầu tư đo đạc, nghiên cứu số liệu cụ thể vì cho rằng khói rơm rạ không nguy hại với môi trường bằng các khí thải đường phố khác. GS.TS Nguyễn Đình Hòe (Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cũng cho biết: rơm rạ không cháy hết sẽ tạo nhiều oxit cacbon (CO) chứ không phải cacbonic (CO2). Loại khí này nếu hít phải sẽ ngăn cản sự vận chuyển oxi trong máu. "Người trực tiếp đốt không chịu nhiều ảnh hưởng bằng người ở xa phía cuối gió"- TS. Hòe tiết lộ.
Với nguy cơ làm mất cân bằng sinh thái, về lâu dài việc đốt rơm, rạ còn tác động xấu khiến đất đai suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng và chất lượng nông sản. "Tuy nhiên không nên xử phạt để ngăn chặn đốt rơm rạ, mà phải tìm cách biến nó thành nguồn tài nguyên khác" - GS Đăng nói.
Rơm rạ có thể tạo ra tiền
Ở nước ta chỉ tại một vài vùng như đồng bằng sông Cửu Long, người ta mua rơm rạ với giá cao để đan giỏ, làm đồ thủ công hay trồng nấm. Còn hầu hết vẫn để lãng phí. GS Hòe cho rằng: kinh nghiệm của nông dân miền Nam cần được phổ biến và nhân rộng ra Bắc để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Với những ảnh hưởng do đốt rơm rạ gây ra, mới đây Sở TN&MT HN đã có văn bản đề nghị các huyện đôn đốc các xã nhắc nhở, nghiêm cấm người dân đốt rơm tùy tiện sau mùa gặt. Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh, ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn tới các địa phương việc sau vụ gặt, nông dân nên phun chế phẩm, ủ rơm, rạ tại ruộng để rơm mục nát, phân hủy, tạo thành phân hữu cơ, giúp cho đất tơi xốp. Việc sử dụng chế phẩm để ủ rơm giải quyết được vấn đề môi trường và tạo nguồn phân bón hữu cơ dồi dào, giảm lượng phân bón hóa học, nâng cao năng suất cây trồng.
TS sinh học Lê Văn Tri sau nhiều năm nghiên cứu về công nghệ phân hủy rơm rạ cho hay, loại phế phẩm từ cây lúa này có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như làm thức ăn trâu bò, trồng nấm, sản xuất cồn sinh học (ethanol)... Rơm rạ còn có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, cải tạo độ tơi xốp của đất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng…
Rõ ràng các nhà khoa học đã nghiên cứu ra loại "chế phẩm hương liệu men sinh học tổng hợp” phân hủy rơm rạ thành phân hữu cơ với giá thành rẻ, nhưng chỉ có một số nơi như Thanh Hóa, Hải Dương... sử dụng loại chế phẩm này, nông dân tại Hà Nội lại thờ ơ hoặc chưa biết đến, nên vào vụ gặt là Hà Nội mù mịt khói rất khó chịu, ô nhiễm.
Nam Định có cách làm hay
Ông Lê Văn Tri, GĐ Công ty Cổ phần công nghệ sinh học cho biết: chỉ tính tại đồng bằng sông Hồng, lượng CO2 phát thải vào môi trường do đốt rơm, rạ là 1,2 - 4,7 triệu tấn/năm. Lượng khí nhà kính phát thải vào môi trường gây thiệt hại tương đương với 19,05 – 200,3 triệu USD/năm.
Nam Định mới đây phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học đã thực hiện xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm Fito-Biomix RR, cho hiệu quả cao. Phương pháp này tiến hành dựa trên nguyên tắc bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ, có khả năng phân giải nhanh và triệt để rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh vật giàu dinh dưỡng.
Phó GĐ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nam Định Hoàng Mạnh Cường chia sẻ: nghiệm thu khi xử lý gần 90 tấn rơm, rạ sau 28 ngày ủ trên hai cánh đồng xã Lộc Hòa (TP Nam Định), ước tính 1 ha lúa qua xử lý rơm rạ ủ, thu được 4 tấn phân, lợi nhuận bình quân thu được 4 triệu đồng/ha. Tính 5 năm, rơm rạ được xử lý sẽ không gây lãng phí cỡ 5 tỷ 282 nghìn đồng và thu được khoảng 7,9 tỷ đồng.
Việc xử lý rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ có ý nghĩa thực tiễn và khoa học cao trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững. Vấn đề là những ứng dụng như vậy chưa thật sự đi vào đời sống, nên người dân Hà Nội vẫn rất ngán ngại mỗi "mùa” đốt rơm, rạ.
Thanh Như
Chia sẻ:
Tin mới hơn:
- CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ NỘI BÀI TUYÊN TRUYỀN VĂN HÓA ĐẢM BẢO AN TOÀN HÀNG KHÔNG TẠI CÁC XÃ LÂN CẬN SÂN BAY
- TUYÊN TRUYỀN, HƯỚNG DẪN XỬ LÝ RƠM RẠ SAU THU HOẠCH, PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI HỮU CƠ TẠI HỘ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN SÓC SƠN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2024
- Triển lãm Thành tựu khoa học và công nghệ Thủ đô năm 2024
- Lễ ra mắt sản phẩm mới: Chế phẩm sinh học Bio-Đa năng
- Nghiệm thu dây truyền thiết bị sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, công suất 20.000 tấn/năm tại Công ty cổ phần phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi thuộc Chương trình
- TS. Lê Văn Tri tiếp đoàn Công ty Verywell Group trên khuôn khổ hợp tác, liên doanh sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nhu cầu nông nghiệp giữa Việt Nam và Belarus
Tin cũ hơn:
- NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ( KH&CN)" XÂY DỰNG MÔ HÌNH ỨNG DỤNG KHCN SẢN XUẤT MẠ KHAY TẬP TRUNG KẾT HỢP VỚI SẢN XUẤT RAU AN TOÀN TRONG NHÀ MÀNG TẠI TỈNH HƯNG YÊN"
- Lễ ra mắt Viện Khoa học Công nghệ Sinh học và Môi trường
- Mô hình điểm áp dụng sáng chế vào sản xuất nông nghiệp
- Lễ công bố sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020
- Hợp tác quốc tế "Nghiên cứu ứng dụng tinh dầu sả chanh chưng cất theo công nghệ mới trong hỗ trợ điều trị ung thư"
- TS. Lê Văn Tri: Mô hình sản xuất tinh dầu sả từ những sáng chế
Công nghệ xử lý rơm rạ tại ruộng làm phân bón sinh học nhằm bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững
Công nghệ sử dụng chế phẩm Bio - Mix của Fitohoocmon trong sản xuất phân bón sinh học từ phân thải chăn nuôi tập trung
Tổng số truy cập: 5924690
Đang online: 6