Rau mầm, rau mam, mầm rau cải, BiogroupRau mầm, rau mam, mầm rau cải, Biogroup

Tin tức

"Bằng sáng tạo, chắc chắn chúng ta sẽ phát triển”

Với 16 bằng độc quyền sáng chế và hơn 30 nhãn hiệu hàng hoá, Tiến sĩ Lê Văn Tri, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học đã vinh dự nhận giải WIPO dành cho doanh nghiệp xuất sắc nhất trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất và kinh doanh…

Đây chỉ là một trong số những khoảnh khắc “lóe sáng” tại đêm trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam, Giải thưởng WIPO 2011 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Giải thưởng Cúp Vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam 2011, diễn ra tối 15/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội do Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức .

Theo đó, 4 công trình đã giành được giải Nhất giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam là "Lập quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500 KV tại hiện trường"; "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng lò hơi đốt nhiên liệu xấu kiểu tầng sôi tái tuần hoàn''; "Nghiên cứu chế tạo vắc xin tụ huyết trùng trâu bò nhũ dầu dùng phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu bò nuôi ở nước ta"; "Nghiên cứu ứng dụng giếng khoan thăm bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn liên kết nối cống trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường". Giải thưởng Cúp Vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2011 cho 11 doanh nghiệp xuất sắc trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất và kinh doanh và giải thưởng WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã được trao cho 5 công trình, tác giả xuất sắc và 1 doanh nghiệp của nước ta.

Ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, giải thưởng Sáng tạo KHCN VN đã thu hút đông đảo các nhà khoa học đang làm việc trong các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp tích cực tham gia và góp phần to lớn vào việc biểu dương tôn vinh các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu. Trong suốt 17 năm qua, đã có gần 2000 sáng kiến dự thi giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam, trong số đó đã có trên 500 công trình đoạt giải, đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản phẩm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã xác định giáo dục đào tạo và phát triển KHCN là một trong 3 khâu đột phá để đưa đất nước chúng ta phát triển nhanh hơn, bền vững trong thập niên này. Để tạo ra những bước đột phá không chỉ nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp mà chính từ lao động sáng tạo quên mình của 50 triệu người lao động Việt Nam, đặc biệt của gần 4 triệu người Việt Nam có trình độ đại học trở nên có ý nghĩa quyết định. Năm nay chúng ta chứng kiến những công trình sáng tạo trên mọi miền đất nước, mọi lĩnh vực một lần nữa khẳng định những đóng góp của các công trình sáng tạo của các tác giả nói riêng và của giới KHCN Việt Nam nói chung vào sự phát triển của đất nước. Chính bằng những sáng tạo đó đã làm cho dân tộc Việt Nam sau cuộc chiến tranh trong bối cảnh bị tàn phá nặng nề đã vươn lên tự viết tên Việt Nam trên bản đồ thế giới với thành tựu liên tục 25 năm tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người lên tới 1.000 USD/năm...

Năm 1997, khi chúng ta bắt đầu xây dựng chương trình công nghệ thông tin, khi đó Việt Nam không có tên trên bản đồ về công nghệ thông tin trên thế giới, ngày nay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là một trong 20 thành phố của các nước mới phát triển hấp dẫn về công nghệ thông tin và truyền thông. Đặc biệt, năm ngoái chúng ta đã tự thiết kế chế tạo dàn khoan nổi trên biển, đây là một thành tựu đáng ghi nhận bởi trên thế giới chỉ có 10 quốc gia có thể tự thiết kế.

“Bằng sáng tạo, chắc chắn chúng ta sẽ ngày càng phát triển. Cách đây không lâu, ASEAN dự báo đến năm 2045- 2050, tức là 33 năm nữa, Việt Nam sẽ có dân số 110 triệu người, tổng sản phẩm nội địa gần 1.000 tỷ USD, lúc đó chúng ta thực sự là một nước công nghiệp sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Văn Tri, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học- doanh nghiệp xuất sắc nhất được giải WIPO chia sẻ, “nhà khoa học phải không ngừng vận động, nghiên cứu để tìm tòi cái mới. Sự vận động đó không chỉ giúp phát triển trí tuệ bản thân, làm giàu cho bản thân mà còn để làm giàu cho xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, nhà doanh nhân khoa học cần sự giúp đỡ, chia sẻ, động viên nhiều hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt cần có cơ chế mở hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học”.

Quỳnh Nga

Chia sẻ:

Tin mới hơn:

Tin cũ hơn:

Liên kết website
Thống kê truy cập

Tổng số truy cập: 5922680

Đang online: 2