Categories: Tin tức
      Date: 28 / 04 / 2007 - 14:38:43
     Title:  Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế thải mía
Tại Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam vừa qua, công trình nghiên cứu sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ phế thải mía đường do TS Lê Văn Tri ở Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học - Phân bón Fitohoocmon.

Tại Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam vừa qua, công trình nghiên cứu sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ phế thải mía đường do TS Lê Văn Tri ở Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học - Phân bón Fitohoocmon, làm Chủ nhiệm, đã được trao giải Nhất thuộc lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Sản phẩm này có ưu điểm tận thu phụ phẩm mía đường và các nguồn phế thải khác như tro lò, bã mía... để chuyển thành phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao, phục vụ thâm canh phát triển vùng nguyên liệu mía, bảo đảm phát triển môi trường bền vững.

Phân phức hợp hữu cơ vi sinh chuyên dùng cho cây mía là loại phân bón hỗn hợp gồm 4 thành phần chính: mùn hữu cơ (gồm bùn mía, tro lò đã được lên men có thể dùng than bùn nếu không đủ), phân vô cơ chuyên dùng (N-P-K), phân vi lượng cho mía, phân vi sinh chuyên dùng cho cây mía (gồm các vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải xelluloza và hỗn hợp axít humíc). Chúng được trộn với tỷ lệ cân đối để phù hợp cho cây mía ở từng vùng sinh thái khác nhau. Phân phức hợp hữu cơ vi sinh Fitohoocmon có khả năng thay thế hoàn toàn các loại phân bón khác.

TS Lê Văn Tri cho biết: Điểm mới của công trình này là lần đầu tiên đưa ra một công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chuyên dùng cho cây mía, dựa trên những nghiên cứu tổng hợp và cơ bản (dinh dưỡng đất trồng mía, vi sinh vật trên đất trồng mía, nhu cầu dinh dưỡng của cây mía). Vì thế, sản phẩm tạo ra đạt chất lượng cao và công trình được áp dụng thành công ở các vùng trồng mía của các nhà máy đường. Lần đầu tiên các nhà khoa học đã phân lập, phân loại và định tên được các chủng vi sinh vật cố định nitơ cộng sinh ở cây mía Việt Nam, nhờ sử dụng các phương pháp hiện đại. Đây là nhóm vi sinh vật có ý nghĩa lớn trong việc sản xuất phân bón sinh học cho cây mía sau này. Sản phẩm này đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế và được áp dụng trên quy mô lớn, tại nhiều công ty mía đường, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động với mức lương ổn định.

NGUYỄN HỒNG ĐIỆP

(Rau mầm đang bán chạy trên thị trường)