Categories: Tin tức
      Date: 17 / 02 / 2009 - 14:37:52
     Title: Biến phụ phẩm cây mía thành phân bón hữu cơ 
Lâu nay, các phụ phẩm từ cây mía ở các nhà máy đường vẫn là nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Trăn trở làm thế nào để không bỏ phí nguồn phụ phẩm, lại không gây ô nhiễm môi trường, TS Lê Văn Tri – Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Fitohoocmon đã thành công trong việc chế biến phụ phẩm này thành phân bón hữu cơ.

Lâu nay, các phụ phẩm từ cây mía ở các nhà máy đường vẫn là nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Trăn trở làm thế nào để không bỏ phí nguồn phụ phẩm, lại không gây ô nhiễm môi trường, TS Lê Văn Tri – Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Fitohoocmon đã thành công trong việc chế biến phụ phẩm này thành phân bón hữu cơ.

TS Lê Văn Tri đã cùng các kỹ sư Trần Thị Minh và Lê Thị Kim Anh đã bàn bạc, tìm hiểu, nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cho cây mía dựa trên những nghiên cứu tổng hợp và cơ bản: dinh dưỡng đất trồng mía, vi sinh vật đất trồng mía, nhu cầu dinh dưỡng của cây mía. Vì thế, sản phẩm của công nghệ đạt chất lượng cao và áp dụng thành công ở các nhà máy đường - đây là mô hình nghiên cứu - triển khai ứng dụng, sản xuất và kinh doanh mà trước đây chưa có.

Các kỹ sư đã phân lập, phân loại và định tên được các chủng vi sinh vật cố định ni-tơ cộng sinh ở cây mía Việt Nam nhờ sử dụng các phương pháp hiện đại như kính hiển vi điện tử, xác định cấu trúc gen. Từ cây phát sinh chủng loại, các kỹ sư đã tìm thấy chủng vi sinh vật rất gần gũi với Paenibacillus polymyxa (B. Polymyxa). Sau khi phân tích về trình tự gen rARN 16 S, cây chủng loại phát sinh và các đặc tính sinh lý, sinh hóa đã được khảo sát, các kỹ sư đã xác định chủng loại này thuộc loài Paenibacillus Polymyxa - đây là nhóm vi sinh vật có ý nghĩa to lớn trong việc sản xuất phân bón sinh học cho cây mía.

Ngoài việc phát hiện ra nhóm vi sinh vật, nhóm kỹ sư đã tìm ra quy trình sản xuất axit humic và các dạng muối humat tan phục vụ sản xuất phân bón ở quy mô công nghiệp (sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Độc quyền sáng chế số 4887) và hoàn thiện công nghệ sản xuất một số chế phẩm vi sinh vật: cố định ni-tơ, phân giải lân khó tan, đặc biệt phân giải xenluloza từ các nguồn hữu cơ khác nhau. Để có thể cho ra đời sản phẩm phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm cây mía, các tác giả cũng đã phải hoàn thiện dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh (quy mô công nghiệp trên 90%).

Sản phẩm của công trình nghiên cứu trên không chỉ dừng lại ở sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, mà nó còn tạo ra 13 sản phẩm với công nghệ sản xuất phù hợp, đạt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, được áp dụng trên quy mô lớn tại nhiều công ty mía đường và có triển vọng mở rộng thông qua các hợp đồng với 15 công ty đạt giá trị từ 50 – 100 tỷ đồng. Sau một thời gian thực hiện theo công nghệ mới, doanh thu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cho các nhà máy đường tăng 1000 tỷ đồng/năm và mang lại lợi nhuận cho người sử dụng phân bón hàng năm là 100 tỷ đồng.

Công trình đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động với mức lương ổn định cũng như xử lý toàn bộ phế thải và phụ phẩm mía đường của các nhà máy đường chuyển thành phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao, phục vụ thâm canh và phát triển vùng nguyên liệu mía, góp phần đảm bảo phát triển bền vững cho nhà máy đường.

Với khả năng áp dụng công nghệ cao, có tính cạnh tranh lớn về vốn đầu tư ban đầu, quản lý công nghệ, chất lượng sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, và đặc biệt là các dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ  nguồn phế thải, phụ phẩm mía đường đều được thực hiện tại nhà máy mía đường, công trình đã đoạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), Huy chương Bạc triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo lần thứ tư tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 12/2008.

Hiện nay, quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh fitohoocmon đã và đang được triển khai ứng dụng sản xuất hầu hết các nhà máy đường trong cả nước. Công trình đã thể hiện rõ tính sáng tạo của TS Lê Văn Tri cùng các cộng sự trong nghiên cứu, sản xuất và cung ứng các chế phẩm sinh học phục vụ cuộc sống. Và công trình thực sự đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường do phụ phẩm cây mía.